Quần vợt là môn thể thao thi đấu đối kháng gián tiếp, có nhiều tình huống xảy ra rất đa dạng, không lặp lại nên thu hút được nhiều người tham gia. Tập luyện và thi đấu quần vợt có thể điều chỉnh được nhịp điệu thi đấu phù hợp với trạng thái thể lực của cá nhân nên môn thể thao này ngày càng nhiều người tham gia. Môn thể thao này dành cho cả nam, nữ; cho các lứa tuổi từ nhi đồng đến người cao tuổi.
Tập luyện và thi đấu quần vợt mang lại cho người chơi nhiều lợi ích thiết thực như nâng cao sức khỏe, phát triển các tố chất thể lực, khả năng vận động và làm giảm đi sự căng thẳng. Quần vợt còn bồi dưỡng cho con người về phẩm chất ý chí, tinh thần đồng đội, kỹ năng phối hợp và tăng cường sự giao lưu, tình hữu nghị sự hiểu biết giữa các tập thể và cá nhân.
- Trang phục, trang bị:
– Trang phục nhẹ, thoáng khí, chất liệu dễ thấm mồ hôi; đối với nam có thể mặc quần sooc, áo ngắn tay, đối với nữ mặc áo thun sát nách, váy… Tập luyện vào mùa lạnh có thể mặc các loại quần áo dài để đảm bảo giữ nhiệt.
– Giầy nên sử dụng các loại phù hợp như: không rộng quá và cũng không chật quá, đế giầy bằng chất liệu tổng hợp có độ bám sân tốt, thuận lợi cho di chuyển hoặc khi thay đổi hướng đột ngột, có lớp giảm chấn để đề phòng chấn thương khi chạy nhẩy trên nền mặt sân cứng.
– Tất sử dụng loại chất liệu vải coton phần dưới miếng đệm bảo vệ gót chân có tác dụng hút ẩm, mồ hôi chân, vừa tránh rộp cho bàn chân.
– Vợt: Căn cứ vào độ tuổi và khả năng thể lực của từng người để chọn loại vợt đúng, phù hợp về kích thước tay cầm, trọng lượng của vợt và độ căng của lưới. Đối với người có tuổi, lực tay yếu nên sử dụng các loại vợt nhẹ có trợ lực. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
– Bóng: Bóng dùng cho thi đấu sẽ do Ban tổ chức từng giải đấu quy định. Bóng dùng cho tập luyện có nhiều loại khác nhau, có loại mới, cũ… tuy nhiên khi sử dụng bóng cũ cũng cần phải chú ý dễ dẫn đến sai lệch kỹ thuật động tác và ảnh hưởng đến kết quả tập luyện.
– Ngoài ra trong tập luyện và thi đấu cần có thêm một số vật dụng thiết yếu như mũ, khăn lau mồ hôi, nước uống hoặc các loại trang bị chuyên dụng như bịt đầu gối, bó khuỷu tay, lót cổ tay, băng giữ mồ hôi trán…
- Yếu tố môi trường, khí hậu:
Quần vợt có thể tập luyện và thi đấu trên 3 loại mặt sân là: mặt sân cứng, mặt sân cỏ và mặt sân đất nện. Ở Việt Nam phổ biến tập luyện và thi đấu trên mặt sân cứng. Sân có thể ngoài trời hoặc trong nhà có mái che.
Có thể chơi trong nhiều điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau; tuy nhiên khi trời mưa không nên chơi vì rất dễ dẫn đến chấn thương ( đối với sân ngoài trời)
- Khởi động:
a)Khởi động cơ thể: Trước khi bước vào tập luyện và thi đấu đều phải khởi động toàn thân để đưa các bộ phận cơ thể sẵn sàng thích ứng với điều kiện vận động. Thời gian khởi động cơ thể có thể kéo dài từ 5 đến 7 phút.
– Khởi động tĩnh: các nhóm cơ, khớp ở cổ, tay, vai, chân, hông…
– Di chuyển tốc độ nhanh, tiến, lùi sau, ngang, bật cao và có sự thay đổi đột ngột về hướng…
- b) Khởi động chuyên môn với bóng:
Đánh bóng cuối sân, đánh bóng trên lưới, đập bóng cao tay, phát bóng…
- Thả lỏng – Hồi phục:
Đối với người chơi không chuyên, quần vợt thông thường thi đấu đôi và diễn ra liên tục không có quãng nghỉ giữa các set, do vậy sau khi thi đấu một trận nên dành thời gian để thả lỏng và kết thúc buổi tập luyện nên có biện pháp hồi phục cơ thể. Thả lỏng đúng cách sẽ có tác dụng giảm nhịp đập của tim, làm tái tuần hoàn máu và cung cấp oxy cho cơ bắp, giữ cơ bắp ở trạng thái như trước khi vận động, giúp thải trừ các chất độc hại ra khỏi cơ thể… Hồi phục là cần được nghỉ ngơi một cách có ý thức kết hợp với việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết bị mất đi trong quá trình vận động. Hồi phục sau thi đấu tốt giúp cho giúp cơ thể đào thải các chất acid lactid ra khỏi cơ bắp, tái tạo năng lượng để cơ thể thích ứng và trở lại hoạt động bình thường trong những buổi tập và thi đấu tiếp theo.
– Thả lỏng – hồi phục sau 1 trận đấu để tiếp tục thi đấu: nên ngồi để chân được nghỉ ngơi hoàn toàn, dùng khăn lau sạch mồ hôi, bổ sung nước uống cho cơ thể với lượng nước từ 25 – 40ml và uống làm nhiều ngụm nhỏ.
– Thả lỏng khi kết thúc thi đấu: người tập phải tiến hành những bài tậpthả lỏng cơ thể một cách tích cực như: đi chạy nhẹ nhàng, các nhóm cơ ở tay, chân … Thời gian thả lỏng phải tỷ lệ tương ứng với cường độ trận đấu vừa diễn ra.
– Hồi phục cơ thể phụ thuộc vào thể trạng của từng cá nhân cũng như tính chất của buổi tập luyện hay thi đấu vừa kết thúc. Có nhiều cách thức khác nhau đối với quá trình hồi phục của cơ thể nhưng về cơ bản vẫn thực hiện các bước sau:
+ Tắm rửa (hoặc nếu có điều kiện có thể xông hơi, xoa bóp…)
+ Bổ sung dinh dưỡng hợp lý (nước uống mát pha ít đường và hoa quả có nhiều vitamin, các thức ăn giầu năng lượng và dễ hấp thụ như trứng, sữa, cá…).
+ Nghỉ ngơi hoàn toàn: giấc ngủ sâu sẽ là liệu pháp tốt nhất tạo ra nguồn năng lượng mới cho một ngày làm việc tiếp theo.
- Các chấn thương thường gặp và cách khắc phục:
Các chấn thương thường gặp trong tập luyện hoặc thi đấu quần vợt thông thường do những nguyên nhân :
+ Khởi động- làm nóng cơ thể không đúng hoặc không đủ
+ Dụng cụ- phương tiện tập luyện, thi đấu: giày, vợt, mặt sân không đúng quy cách hoặc không phù hợp với người chơi.
+ Tập luyện quá tải, quá sức.
+ Tình trạng sức khỏe đang bị bệnh hoặc suy yếu.
+ Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
+ Thực hiện kỹ thuật động tác sai.
+ Tâm lý quá căng thẳng
+ Tai nạn ngẫu nhiên ( bóng đánh trúng người…)
a) Chấn thương tay: Rất hay thường gặp ở người chơi quần vợt với tỉ lệ rất cao ( tỉ lệ 10- 50 % người chơi mắc phải). Biểu hiện thường gặp là đau khi duỗi thẳng cổ tay và bàn tay, cảm thấy đau khi nâng vật nặng, đau khi nắm chặt tay lại hay lắc tay. Cơn đau nhói từ khuỷu xuống cẳng tay hay lên phần trên cánh tay. Ban đầu lúc chơi thì đau, khi không chơi thì hết đâu, nếu vẫn cố chơi mà không chữa trị thì sẽ dẫn đến bị đau cả trong khi nghỉ ngơi. Đây là tình trạng viêm hoặc rách gân cơ duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngoài khuỷu tay, rách và viêm một số sợi cơ dọc theo cẳng tay và cánh tay.
Sơ cứu: Ngừng chơi ngay, đồng thời chườm lạnh tại chỗ. Có thể dùng băng ép quấn hơi chặt và sau đó lỏng dần trên vùng bị tổn thương. Sau đó trong quá trình hồi phục nếu có điều kiện chiếu tia hồng ngoại tại vùng cơ bị chấn thương và mang băng tay khớp khuỷu để trợ lực cho khuỷu và tránh căng các nhóm cơ xung quanh. Nếu bị đau nặng thì cần sự chăm sóc của bác sỹ.
b) Chấn thương vai:
Biểu hiện đau nhóm cơ bao quanh khớp vai, khi đưa tay lên thực hiện quả giao bóng hoặc quả đập bóng trên cao rất khó khăn. Đây là chấn thương cấp tính do giãn, rách dây chằng bao khớp, viêm hoặc rách gân cơ xoay, đặc biệt cơ trên gai (cơ chủ lực trong động tác dang và xoay ngoài khớp vai).
Sơ cứu: Ngừng chơi ngay, đồng thời chườm đá vùng vai đau trong 15 phút. Sau đó trong quá trình hồi phục nếu có điều kiện chiếu tia hồng ngoại tại vùng cơ bị chấn thương và tập các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng vai hoặc vận động nhẹ nhàng các động tác khớp vai mà không gây đau. Nếu bị đau nặng thì cần sự chăm sóc của bác sỹ chuyên khoa.
c) Chấn thương chân:
Các biểu hiện như đau khớp gối và cổ chân, vận động đi lại rất khó khăn; đôi khi có thể còn gặp hiện tượng đau 1/3 bắp chân phía trên. Đây là chấn thương do rách sụn nêm, giãn cơ, đứt dây chằng vùng gối, bong gân hoặc thoái hóa sụn khớp cổ chân và và nhóm cơ ở cẳng chân bị giãn hoặc rách.
Sơ cứu: Dừng ngay hoạt động và chườm nước đá, không nên xoa bóp vùng cơ bị đau. Tiếp tục xử lý bằng cách dùng băng ép quấn vào vùng cơ, khớp bị đau. Sau đó trong quá trình hồi phục nếu có điều kiện chiếu tia hồng ngoại tại vùng cơ bị chấn thương, hạn chế các hoạt động của chân dùng lực mạnh và kéo dài thời gian. Nếu bị đau nặng thì cần sự chăm sóc của bác sỹ chuyên khoa.
Chấn thương trong quần vợt thường không quá nặng nhưng dễ kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đến quá tập luyện của người tập. Đối với các chấn thương tay và vai, nếu không được chữa trị cẩn thận sẽ dẫn đến bệnh mãn tính. Đối với người yêu thích môn quần vợt, trong quá trình chữa trị chấn thương không nên cố chơi, có khi phải dừng hẳn chơi để chữa bệnh dứt điểm thì mới có cơ hội tiếp tục chơi.